Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Văn - Thơ tiểu học (Phần 9)

123. Măng tre
Tôi cây măng tre . 
Mọc lên giữa bụi 
Chưa tròn một tuổi 
Cành chữa thành cành 
Lá vừa nảy xanh 
Mỏng như cánh bướm 
Thức dậy buổi sớm 
Nghe tiếng chim ca 
Hớp giọt sương sa 
Lòng nghe mát rượi 
Ngày ngày tôi đợi 
Cho đến mùa xuân 
Nắng mới tưng bừng 
Tôi vươn cao vút. 
Cành mềm mát mẻ 
Rủ bóng ao sâu 
Cò, vạc bảo nhau: 
“ Ồ, tre chóng lớn!” 

124. Ngôi trường mới 

Trường mới xây trên nền ngôi trường lợp lá cũ. Nhìn từ xa, những mảng tường vàng, ngói đỏ như những cánh hoa lấp ló trong cây. 
Em bước vào lớp vừa bỡ ngỡ vừa thấy quen thân. Tường vôi trắng, cánh cửa xanh, bàn ghế gỗ xoan đào nổi vân như lụa. Em thấy tất cả đều sáng lên và thơm trong nắng mùa thu. 
Dưới mái trường mới, sao tiếng trống rung động kéo dài ! Tiếng cô giáo trang nghiêm mà ấm áp. Tiếng đọc bài của em cũng vang vang đến lạ ! Em nhìn ai cũng thấy thân thương. Cả đến chiếc thước kẻ, chiếc bút chì sao cũng đáng yêu đến thế ! 

125. Cùng vui chơi

Ngày đẹp lắm bạn ơi
Nắng vàng trải khắp nơi
Chim ca trong bóng lá
Ra sân ta cùng chơi

Quả cầu giấy xanh xanh
Qua chân tôi chân anh
Bay lên rồi lộn xuống
Đi từng vòng quanh quanh

Anh nhìn cho tinh mắt
Tôi đá thật dẻo chân
Cho cầu bay trên sân
Đừng để rơi xuống đất

Trong nắng vàng tươi mát
Cùng chơi cho khoẻ người
Tiếng cười xen tiếng hát
Chơi vui học càng vui

(Sách tập đọc lớp 3)

126. DỪA ƠI

                   Lê Anh Xuân 
Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
Tôi hỏi nội tôi: "Dừa có tự bao giờ?"
Nội nói: "Lúc nội còn con gái
Đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân
Đất này xưa đầm lầy chua mặn
Đời đói nghèo cay đắng quanh năm”
 
Hôm nay tôi trở về quê cũ
Hai mươi năm biết mấy nắng mưa
Nội đã khuất rồi xanh rì đám cỏ
Trên thân dừa vết đạn xác xơ.
Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi
Mà lá tươi xanh mãi đến giờ
Tôi nghe gió ngàn xưa đang gọi
Xào xạc lá dừa hay tiếng gươm khua.
 
Ôi có phải nhà thơ Đồ Chiểu
Từng ngâm thơ dưới rặng dừa này
Tôi tưởng thấy nghĩa quân đuổi giặc
Vừa qua đây còn lầy lội đường dây.
 
Tôi đứng dưới hàng dừa cao vút
Cạnh hàng dừa tơ lá mướt xanh màu
Những công sự còn thơm mùi đất
Cạnh những chiến hào chống Pháp năm nao.
 
Vẫn như xưa vườn dừa quê nội
Sao lòng tôi vẫn thấy yêu hơn
Ôi thân dừa đã hai lần máu chảy
Biết bao đau thương, biết mấy oán hờn.
 
Dừa vẫn đứng hiên ngang cao vút
Lá vẫn xanh rất mực dịu dàng
Rễ dừa bám sâu vào lòng đất
Như dân làng bám chặt quê hương.
 

Dừa bị thương dừa không cúi xuống
Vẫn ngẩng lên ca hát giữa trời
Nếu ngã xuống dừa ơi không uổng
Dừa lại đứng lên thân dựng pháo đài.
 
Lá dừa xanh long lanh ánh nắng
Theo đoàn quân thành lá ngụy trang
Nếu rụng xuống dừa ơi không uổng
Dừa lại cháy lên ánh đuốc soi đường.
 
Đất quê hương nát bầm vết đạn
Đã nuôi dừa năm tháng xanh tươi
Ôi có phải dừa hút bao cay đắng
Để trổ ra những trái ngọt cho đời.
 
Nghe vườn dừa rì rào tiếng nhạc
Lòng nao nao tôi nhớ nội xiết bao
Tuổi thơ xưa uống nước dừa dịu ngọt
Tôi biêt đâu thuở chua xót ban đầu.
 
Tôi ngước nhìn mùa xuân nắng dọi
Bốn mặt quê hương giải phóng rồi
Tôi bỗng thấy nội tôi trẻ lại
Như thời con gái tuổi đôi mươi
Như hàng dừa trước ngõ nhà tôi.
 
1-1966


127. NGÀY CÔNG ĐẦU TIÊN CỦA CU TÍ 
Thường mỗi tối, gà vừa lên chuồng được một lát là cu Tý cũng leo ngay lên giường đánh giấc. Lắm lúc bỏ cả cơm (cả nhà bận đi làm đồng nên về thổi muộn). Cũng chẳng cần, chú chàng đã lục nồi, chén đẫy cơm nguội. Chả là cả ngày chơi mệt mà. Nhất là lâu nay gặt rộ, rơm đầy sân, cu Tý với cu Tèo hai anh em ôm nhau vật, đú đởn như hai con chó con, lăn qua lăn lại tha hồ. Có lúc cu Tèo bị đè đau khóc chóe lên nhưng lại nín ngay, rồi lại nghịch, lại cười sằng sặc sằng sặc. Mệt nên vừa đặt mình là ngủ tít thò lò, chốc chốc lại chép miệng nhai tồm tộp như người lớn nữa cơ đấy. Chung quanh ai muốn làm gì thì làm, mặc. Ban quản trị hợp tác xã đến nhà bố cu Tý họp bàn công việc, các ông các bà ấy ngồi ngay giường cu Tý, phát biểu cứ oang oang. Mấy hôm nay vào vụ cấy, các bà mang về những dư luận thắc mắc quanh cái chuyện cấy dày cấy mỏng, kêu là tốn mạ, thiếu nhân công, vân vân... Các ông, ông thì chậm rãi phân tích đưa lý lẽ, có ông lại nổi cáu. Căn nhà nhỏ náo cả lên. Mặc ai thảo luận cứ thảo luận, ai gắt cứ gắt, cu Tý ngủ cứ ngủ, ngon lành. Tờ mờ đất, trong nhà còn tối om, cu Tý đã thức giấc. Chú chàng rúc đầu vào nách bố cho ấm. Buồn tình, chú chàng nói chuyện một mình, chỉ thầm thì ra hơi chứ không thành tiếng. Chuyện gì, chẳng ai nghe rõ, chắc cũng chẳng ngoài cái chuyện hôm qua u đi chợ mua bánh đúc, con gà mái đen nhà ta ấp nở được mười hai con... Chợt bố gãi gãi nách, chắc là bố nhột. Bố cũng đã thức giấc. Cu Tý cựa mình. Có tiếng bố bảo: 


- Hôm nay cu Tý đi chăn nghé để chị Miễu đi cấy nhá! 



- Ứ ự! 



- Tiếng phản ứng bật ra tức thì. U ngủ trong buồng với cái Tèo, nói vọi ra, giọng còn ngái ngủ: 



- Mày xem thằng cu Các kia kìa. Nó chỉ nhỉnh hơn mày một tí mà nó chăn con trâu mộng tướng, hôm nào cũng no kềnh ra. Im lặng một lát khá lâu. Chuyện này chắc đến đây là xong. Cu Tý cố nằm im thin thít, không nhúc nhích. Nhưng tiếng bố lại cất lên: 



- Chăn ngoài bãi vui lắm. Tha hồ mà xem ca-nô ngoài sông nó chạy phành phạch phành phạch. Thuyền nhiều lắm. Một tí, bố nói thêm:



- Người làm ngoài đồng cũng đông. Vui lắm. Cu Tý nằm im, không có ý kiến gì. Một lát, bố lại bảo: 
- Lát nữa dắt nghé ra chỗ ngã ba rồi gọi thằng cu Các nó cùng đi với nhá. 



- Vâ-âng. Tiếng vâng tự dưng buột ra, nhưng còn ngập ngừng như bị gẫy đôi. U lại nói vọi ra, tiếp lời bố: 



- Ra đến bãi thì nhờ chúng nó quấn rợ vào cổ nghé cho, nghe không. Cu Tý lại "vâng" một tiếng nữa, lần này có gọn hơn một tý. Chắc là chú chàng đang nghĩ ghê lắm đấy. Từ khi biết đi biết chạy đến giờ, nó có hề phải mó tay vào công việc gì đâu. Chỉ có thỉnh thoảng bố sai đi lấy cái điếu cày, hoặc u đi chợ giao cho ở nhà phải xua gà đừng để nó vào buồng mổ thóc. Nhưng chưa biết chừng Tý ta cũng chẳng có suy nghĩ quái gì đâu. Chứng cớ là vừa chợt thấy ánh lửa hồng hồng chiếu bập bùng lên cánh cửa mở hé, chú chàng lồm ngồm bò ngay dậy, đi qua sân còn tối mờ mờ, chạy thẳng xuống bếp. A, đúng rồi, thích quá, hôm nay nhà ta thổi cơm nếp. Chú chàng sà ngay xuống cạnh anh Nhỡ, giúp một tay đun bếp. Lúc dọn ăn, anh Nhỡ trêu: 



- A, hôm nay cu Tý phải đi chăn nghé. Cu Tý cầm ngửa nắm cơm nếp trong lòng bàn tay, giơ lên ngang vai 



- Đây là phần đã chia rồi, nên còn nhủng nhỉnh chưa nỡ ăn 



- Hếch mặt buông một tiếng: 



- Kệ! Cái Miễu cũng đùa em: 



- Nghé ăn không no, trưa về không cho cu Tý ăn cơm. 



- Kệ! 



- Kệ mà được à? 



- Kệ-ệ! Bố can thiệp: 



-Thôi đừng trêu em. Cu Tý ăn chóng mà đi, sắp kẻng rồi đấy. Cu Tý ngoạm vào nắm cơm nếp, mặt thoáng vẻ tần ngần. Chợt hỏi bố: 



-Thế u hôm nay đi đâu? 



- U đi cấy. 



-Thế chị Miễu đi đâu? 



- Chị cũng đi cấy. Mọi hôm chị Miễu vẫn thường dắt nghé đi ăn đấy thì sao. Cu Tý ngập ngừng muốn hỏi câu ấy, nhưng bố như đã đoán ngay được, bố nói: 



- Mày sắp nhớn rồi, phải tập chăn nghé dần cho quen, ở nhà chơi mãi, hư thân. Cu Tý thấy không cần hỏi về bố. Bố thì hôm nào cũng thấy làm việc rồi, hôm thì cày bừa, hôm thì đi họp. 
- Thế anh Nhỡ thì làm gì, hở? Hỏi thế, rồi trông ra cầu lúa chất cao ngoài sân, cu Tý tự trả lời lấy: 
- Đập lúa hở? 



- Ừ, sáng anh còn phải đi học, chiều về đập lúa. U cũng thẽ thọt: 



- Cu Tý gắng chăn nghé vài hôm để chị Miễu ra cấy bãi, không có cấy không kịp, lấy thóc đâu cho cu Tý ăn. U lại nói tiếp: 



- Chăn cho giỏi, rồi hôm nào phiên chợ u mua giấy về bố đóng sách cho mà đi học bên anh Thận. ái dà, lại còn chuyện đi học nữa cơ đấy. Học thích hơn hay đi chăn nghé thích hơn nhỉ? Thôi, cái gì làm một cái thôi... Thế thằng Các nó vừa chăn trâu vừa đi học đấy thì sao. Nó đánh vần rồi nó đọc, chữ trong sách tròn tròn be bé cứ như hạt đỗ xanh ấy mà nó đọc thành chuyện Bác Hồ này, chuyện gặt lúa này, hay thật... Cu Tý không hỏi gì nữa. Chả biết vì đã hết thắc mắc, hay là vì đang bận gặm mấy hạt nếp dính ở ngón tay. Chợt có tiếng kẻng. Cái tiếng lanh canh ấy, hằng ngày cu Tý quen tai lắm rồi, không chú ý nữa, vậy mà hôm nay làm cu Tý vểnh tai. Cu Tý thấy u chạy vội đi soạn quang gánh. Chị Miễu thì vừa quấn xà cạp, vừa hỏi gần như gắt: "Cái nón toi vật vừa đây đâu mất rồi?" Cứ như là gắt với cu Tý ấy. Chả là sẵn cu Tý đứng cạnh đấy mà. Thế có tức không. Trong tay cu Tý còn nắm cơm nếp bằng quả trứng vịt. Tự dưng cu Tý bỏ tọt nắm cơm vào túi áo, phủi phủi tay, tiến ra phía chuồng trâu, gọi: 



- U ơi, dắt nghé ra đi. Giọng bé cố rướn lên, chắc gọn gớm! Bố ở trong nhà nói vọng ra: 



- Hẵng gượm, để bố buộc cho cái quai nón đã. Bố mang cái nón nhỏ ra đội lên đầu cho cu Tý, rồi mở gióng dắt nghé ra. Bố nhắc lại lời dặn: 



- Ra rồi bảo nó quấn rợ lên cổ nghé hộ cho. Mà nhớ trông đừng để nghé ăn mạ đấy. 



- Vâng. Cu Tý cầm rợ kéo. Cái rợ vướng vào một gộc tre, cu Tý cố lôi, con nghé cứ đâm chúi mõm xuống. Cu Tý thót bụng lôi, quần tụt xuống gần đến bẹn. Bố vội cúi gỡ rợ. Cu Tý vừa kéo quần vừa dắt nghé ra khỏi cổng. Ra đến ngã ba, cu Tý dừng lại, gọi thằng Các. Gọi hai ba tiếng cũng chẳng thấy thưa, cu Tý đứng chờ. Phía cổng làng, các xã viên kéo ra ùn ùn, người quang gánh, người vác cày bừa giong trâu đi. Gớm họ kéo đi hàng dài, đông thật! Mọi người vừa đi vừa nói chuyện, pha trò, gọi nhau ơi ới. Cu Tý nhìn theo. Có ai nhận ra cu Tý, cất tiếng gọi. Mọi người quay nhìn, cười vang, đua nhau gọi cu Tý: 



- Đi đi thôi, đợi gì nữa! 



- Nhanh lên, ông nông rân! Cu Tý xấu hổ quay đi, hơi hếch mặt lên trời, chúm miệng cười lỏn lẻn. Phút chốc họ đã đi xa, khuất sau miếu, chỉ còn tiếng cười đùa vẳng lại. Thôi, chẳng thèm chờ thằng kia nữa. Phải đi cho kịp người ta chứ! Cu Tý dắt nghé men theo bờ ruộng. Cái bóng dáng lũn cũn thấp tròn, úp cái nón tuy bé nhưng cũng còn quá to đối với người, trông như cây nấm. Con nghé ngoan ngoãn theo sau, bước đi lon chon trên bờ ruộng mấp mô. 


128. Tôi đi học (Thanh tịnh)

Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường.

Tôi quên sao được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.



 129. TIẾNG GÀ TRƯA

                        Xuân Quỳnh

Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ:
“Cục… cục tác cục ta”
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ
Tiếng gà trưa
Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái tơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng.
Tiếng gà trưa
Có tiếng bà vẫn mắng:
- Gà đẻ mà mày nhìn
Rồi sau này lang mặt!
Cháu về lấy gương soi
Lòng dại thơ lo lắng
Tiếng gà trưa
Tay bà khum soi trứng
Dành từng quả chắt chiu
Cho con gà mái ấp
Cứ hàng năm hàng năm
Khi gió mùa đông tới
Bà lo đàn gà toi
Mong trời đừng sương muối
Để cuối năm bán gà
Cháu được quần áo mới
Ôi cái quần chéo go
Ống rộng dài quét đất
Cái áo cánh chúc bâu
Đi qua nghe sột soạt
Tiếng gà trưa
Mang bao niềm hạnh phúc
Đêm cháu về nằm mơ
Giấc ngủ hồng sắc trứng.
Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ.
2-7-1965

130. KHI MẸ VẮNG NHÀ

(Trần Đăng Khoa)

Khi mẹ vắng nhà, em luộc khoai
Khi mẹ vắng nhà, em cùng chị giã gạo
Khi mẹ vắng nhà, em thổi cơm
Khi mẹ vắng nhà, em nhổ cỏ vuờn
Khi mẹ vắng nhà, em quét sân và quét cổng.

Sớm mẹ về, thấy khoai đã chín
Buổi mẹ về, gạo đã trắng tinh
Trưa mẹ về, cơm dẻo và ngon
Chiều mẹ về, cỏ đã quang vuờn
Tối mẹ về, cổng nhà sạch sẽ.
Mẹ bảo em: Dạo này ngoan thế!
- Không, mẹ ơi! Con đã ngoan đâu!
Áo mẹ mưa bạc màu
Đầu mẹ nắng cháy tóc
Mẹ ngày đêm khó nhọc
Con chưa ngoan, chưa ngoan!

131. TRÊN HỒ BA BỂ
                Hoàng Trung Thông 

Thuyền ta chầm chậm vào Ba-bể 
Núi dựng cheo leo, hồ lặng im 
Lá rừng với gió ngâm se sẽ 
Họa tiếng lòng ta với tiếng chim. 
Thuyền ta lướt nhẹ trên Ba-bể 
Trên cả mây trời trên núi xanh 
Mây trắng bồng bềnh trôi lặng lẽ 
Mái chèo khua bóng núi rung rinh. 

Thuyền ta vòng mãi trên Ba-bể 
Cây chạy theo thuyền thuyền vẫy đi 
Phải ta vượt khỏi nơi trần thế 
Tới giữa mông lung, giữa diệu kỳ. 

Nghe đồn xưa có thần Ba-bể 
Vì giận nhân dân giết mất bò 
Nửa đêm nổi sấm làm giông tố 
Dìm bản làng vui xuống đáy hồ. 

Thuyền ta lại lướt trên Ba-bể 
Chuyện cũ tan dần như khói sương 
Ta đẩy mái chèo xua lặng lẽ 
Sáng ngời mặt nước ánh vầng dương. 

Đẹp sao du kích hồ Ba-bể 
Chồng Nhật kiên cường lại đánh 
Tây Rẽ đá chèo mây chân bước nhẹ 
Vụt chém quân thù như chặt cây. 

Thuyền ta quanh quất trên Ba-bể 
Đỏ ối vườn cam, thắm bãi ngô 
Nhộn nhịp trâu về, vang tiếng trẻ 
Đâu còn giông bão hung thần xưa. 

Thuyền ơi chầm chậm chờ ta nhé 
Chim hót trên đầu ta lắng nghe 
Một lần đã tới, ôi Ba-bề 
Muốn ở đây thôi chẳng muốn về




Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét