Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Văn - Thơ tiểu học (Phần 10)

 132. MÙA HÈ
                      Tạ Vũ
Mùa hè hoa rau muống
Tím lấp lánh trong đầm
Cơn mưa rào ập xuống
Cá rô rạch lên sân.

Mùa hè nắng rất vàng
Bãi cát dài chói nắng
Con sông qua mùa cạn,
Nước dềnh rộng mênh mang

Mùa hè sáng niềm vui
Sau bao ngày gắng sức
Bài thi đỏ điểm mười
Long lanh bao ánh mắt!


133. QUYỂN VỞ CỦA EM

Quyển vở này mở ra 
Bao nhiêu trang giấy trắng
Từng dòng kẻ ngay ngắn
Như chúng em xếp hàng
Lật từng trang, từng trang
Giấy trắng sờ mát rượi
Thơm tho mùi giấy mới
Nắn nót bàn tay xinh
Ơi quyển vở mới tinh
Em viết cho sạch đẹp
Chữ đẹp là tính nết
Của những người trò ngoan.


 134. TRÂU ĐỒI

Ai thổi sáo gọi trâu đây đó 
Chiều in nghiêng trên mảng núi xa 
Con trâu trắng dẫn đàn lên núi 
Vểnh đôi tai nghe sáo trở về 

Trâu đực chạy rầm rầm như hổ 
Trâu thiến dong từng bước hiền lành 
Cổ lừng lững như chum, như vại 
Móng in hằn trên mép cỏ xanh 

Nhưng chú nghé lông tơ mũm mĩm 
Mũi phập phồng dính cánh hoa mua 
Cổng trại mở trâu vào chen chúc 
Chiều rộn ràng trong tiếng nghé ơ

135. Truyện cổ nước mình

Lâm Thị Mỹ Dạ 

Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm
Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì gặp người tiên độ trì
Mang theo truyện cổ tôi đi
Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa
Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa
Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi
Đời cha ông với đời tôi
Như con sông với chân trời đã xa
Chỉ còn truyện cổ thiết tha
Cho tôi nhận mặt ông cha của mình
Rất công bằng, rất thông minh
Vừa độ lượng lại đa tình đa mang
Thị thơm thì giấu người thơm
Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà
Đẽo cày theo ý người ta
Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì
Tôi nghe truyện cổ thầm thì
Lời ông cha dạy cũng vì đời sau
Đậm đà cái tích trầu cau
Miếng trầu đỏ thắm nặng sâu tình người
Sẽ đi qua cuộc đời tôi
Bấy nhiêu thời nữa chuyển dời xa xôi
Nhưng bao truyện cổ trên đời
Vẫn luôn mới mẻ rạng ngời lương tâm.


136. SẮC MÀU EM YÊU

Em yêu màu đỏ: 
Như máu trong tim, 
Lá cờ tổ quốc, 
Khă quàng đội viên. 

Em yêu màu xanh: 
Đồng bằng,rừng núi, 
Biển đầy cá tôm, 
Bầu trời cao vợi. 

Em yêu màu vàng: 
Lúa đồng chín rộ, 
Hoa cúc mùa thu, 
Nắng trời rực rỡ. 

Em yêu màu trắng: 
Trang giấy tuổi thơ, 
Đóa hoa hồng bạch, 
Mái tóc của bà. 

Em yêu màu đen: 
Hòn than óng ánh, 
Đôi mắt bé ngoan, 
Màn đêm yên tĩnh. 

Em yêu màu tím: 
Hoa cà, hoa sim, 
Chiếc khăn của chị, 
Nét mực chữ em. 

Em yêu màu nâu: 
Áo mẹ sờn bạc, 
Đất đai cần cù, 
Gỗ rừng bát ngát. 

Trăm nghìn cảnh đẹp 
Dành cho em ngoan. 
Em yêu tất cả 
Sắc màu Việt Nam.


137. Nói với em_Vũ Quần Phương

Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió
Sẽ được nghe nhiều tiếng chim hay
Tiếng lích rích chim sâu trong lá
Con chìa vôi vừa hót vừa bay.

Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện
Sẽ được nhìn thấy các bà tiên
Thấy chú bé đi hài bảy dặm
Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền.

Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ
Đã nuôi em khôn lớn từng ngày
Tay bồng bế, sớm khuya vất vả
Mắt nhắm rồi, lại mở ra ngay.


(Tập đọc lớp 2, tập 1, trang 53, in năm 1999)

138. CÂY TRE VIỆT NAM
(Thép Mới)
        Cây tre là nguời bạn thân của nông dân Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam.
         Nuớc Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa. Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, tre thân mật làng tôi... đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn.
         Tre, nứa, trúc, mai, vầu mấy chục loại khác nhau, nhưng cùng một mầm non măng mọc thẳng. Vào đâu tre cũng sống, ở đâu tre cũng xanh tốt. Dáng tre vươn mộc mạc, màu tre tươi nhũn nhặn. Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc. Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như nguời.
          Nhà thơ đã có lần ca ngợi: "Bóng tre trùm mát ruợi".
          Bóng tre trùm lên âu yếm làng, bản, xóm, thôn. Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái đình, mái chùa cổ kính. Dưới bóng tre xanh, ta gìn giữ một nền văn hóa lâu đời. Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, nguời dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang. Tre ăn ở với nguời, đời đời kiếp kiếp. Tre, nứa, mai, vầu giúp nguời trăm công nghìn việc khác nhau. Tre là cánh tay của nguời nông dân:
Cánh đồng ta đôi năm ba vụ
Tre với nguời vất vả quanh năm
           Tre với nguời là như thế đã mấy nghìn năm. Một thế kỉ "văn minh", "khai hoá" của thực dân cũng không làm ra đuợc một tấc sắt. Tre vẫn phải còn vất vả mãi với nguời. Cối xay tre nặng nề quay, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc.
            Trong mỗi gia đình nông dân Việt Nam, tre là nguời nhà, tre khăng khít với đời sống hằng ngày
            Giang chẻ lạt, buộc mềm, khít chặt như mối tình quê cái thuở ban đầu thuờng nỉ non duối bóng tre, bóng nứa:
Lạt này gói bánh chưng xanh
Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng...
          Tre còn là nguồn vui duy nhất của tuổi thơ. Các em bé còn có đồ chơi gì nữa ngoài mấy que chuyền đánh chắt bằng tre.
            Tuổi già hút thuốc làm vui. Vớ chiếc điếu cày tre là khoan khoái. Nhớ lại vụ mùa truớc, nghĩ đến những mùa sau, hay nghĩ đến một ngày mai sẽ khác...
           Suốt một đời nguời, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay, nằm trên giường tre, tre với mình, sống có nhau, chết có nhau, thủy chung.
                    Như tre mọc thẳng, con nguời không chịu khuất
           Nguời xưa có câu:"Trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng". Tre là thẳng thắn, bất khuất! Ta kháng chiến, tre lại là đồng chí chiến đấu của ta. Tre vốn cùng ta làm ăn, lại vì ta mà cùng ta đánh giặc.
            Buổi đầu không một tấc sắt trong tay, tre là tất cả, tre là vũ khí. Muôn ngàn đời biết ơn chiếc gậy tầm vông đã dựng nên thành đồng tổ quốc! Và sông Hồng bất khuất có cái chông tre.
           Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữa nuớc, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hy sinh để bảo vệ con nguời. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!
             Nhạc của trúc, nhạc của tre là khúc nhạc của đồng quê. Nhớ một buổi trưa naò, nồm nam cơn gió thổi, khóm tre làng rung lên khúc nhạc đồng quê.
Diều bay, diều lá tre bay tung trời...
Sáo tre, sáo trúc vang lưng trời...
           Gió đưa tiếng saó, gió nâng cánh diều.
           Trời cao lồng lộng, đồng ruộng mênh mông hãy lắng nghe tiếng hát giữa trời cao của trúc, của tre...
              "Tre già măng mọc". Măng mọc trên phù hiệu ở ngực thiếu nhi Việt Nam, lứa măng non của nuớc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
             Các em, các em rồi đây lớn  lên, sẽ quen dần với sắt, thép, xi măng và cốt sắt.
             Nhưng nứa, tre sẽ còn mãi với các em, còn mãi với dân tộc Việt Nam, chia bùi sẻ ngọt của những ngày mai tuơi hát, còn mãi với chúng ta, vui hạnh phúc, hòa bình.
             Ngày mia, trên đất nuớc naỳ, sắt, thép có thể nhiều hơn tre, nứa. Nhưng, trên đuờng truờng ta dấn bước, tre xanh vẫn là bóng mát. Tre vẫn mang khúc nhạc tâm tình. Tre sẽ cáng tuơi những cổng chào thắng lợi. Những chiếc đu tre vẫn ruớn lên bay bổng. Tiếng sáo diều tre cao vút mãi
              Cây tre Việt Nam! Cây tre xanh, nhũn nhặn, ngay thẳng, thủy chung, can đảm. Cây tre mang những đức tính của nguời hiền là tuợng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam.
1955


139. SAO KHÔNG VỀ VÀNG ƠI!

Tao đi học về nhà
Là mày chạy xồ ra
Đầu tiên mày rối rít
Cái đuôi mừng ngoáy tít.
Rồi mày lắc cái đầu
Khịt khịt mũi, rung râu
Rồi mày rún chân sau
Chân trước chồm, mày bắt
Bắt tay tao rất chặt
Thế là mày tất bật
Đưa vội tao vào nhà
Dù tao đi đâu xa
Cũng nhớ mày lắm đấy

Hôm nay tao bỗng thấy
Cái cổng rộng thế này
Vì không thấy bóng mày
Nằm chờ tao trước cửa
Không nghe tiếng mày sủa
Như những buổi trưa nào
Không thấy mày đón tao
Cái đuôi vàng ngoáy tít
Cái mũi đen khịt khịt
Mày không bắt tay tao
Tay tao buồn làm sao!

Sao không về hả chó
Nghe bom thằng Mỹ nổ
Mày bỏ chạy đi đâu?
Tao chờ mày đã lâu
Cơm phần mày để cửa
Sao không về hả chó
Tao nhớ mày lắm đó
Vàng ơi là Vàng ơi!
(Trần Đăng Khoa)


140. GỬI LỜI CHÀO LỚP MỘT
Lớp Một ơi! Lớp Một!
Đón em vào năm trước
Nay giờ phút chia tay
Gửi lời chào tiến bước!
Chào bảng đen cửa sổ
Chào chỗ ngồi thân quen
Tất cả! Chào ở lại
Đón các bạn nhỏ lên
Chào cô giáo kính mến
Cố sẽ xa chúng em...
Làm theo lời cô dạy
Cô sẽ luôn ở bên.
Lớp Một ơi! Lớp Một!
Đón em vào năm trước
Nay giờ phút chia tay
Gửi lời chào tiến bước!
(Hữu Tưởng)


 141. VỀ THĂM BÀ
                                                 Theo Thạch Lam

Thanh bước lên thềm, nhìn vào trong nhà. Cảnh tượng gian nhà cũ không có gì thay đổi. Sự yên lặng làm Thanh mãi mới cất được tiếng gọi khẽ:
- Bà ơi!
Thanh bước xuống dưới giàn thiên lí. Có tiếng người đi, rồi bà mái tóc bạc phơ, chống gậy trúc ở ngoài vườn vào. Thanh cảm động và mừng rỡ, chạy lại gần.
- Cháu đã về đấy ư ?
Bà thôi nhai trầu, đôi mắt hiền từ dưới làn tóc trắng nhìn cháu, âu yếm và mến thường:
- Đi vào trong nhà kẻo nắng, cháu !
Thanh đi, người thẳng, mạnh, cạnh bà lưng đã còng. Tuy vậy, Thanh cảm thấy chính bà che chở cho mình như những ngày còn nhỏ.
Bà nhìn cháu, giục:
- Cháu rửa mặt rồi đi nghỉ đi !
Lần nào trở về với bà, Thanh cũng thấy bình yên và thong thả như thế. Căn nhà, thửa vườn này như một nơi mát mẻ và hiền lành. Ở đấy, bà lúc nào cũng sắn sàng chờ đợi để mến yêu Thanh.


142. HAI CON CHIM

Mưa rồi, trời mưa to quá! Gió ném rào rào từng vốc nước xuống mặt đường. Gió lay cây rồi giật ra từng nắm lá tung lên trời.
Giữa cảnh ấy, trên cây sấu già kia có hai con chim. Con chim bé run rẩy kêu:
- Chíp ! Chíp !
Chim lớn dỗ dành:
- Ti ri... ti ri...
Không ai biết trên cây sấu ấy có con chim lớn đang che chở cho con chim bé dưới trời mưa gió.
Sáng hôm sau, khi tia nắng óng ánh vừa rơi xuống chỗ ẩn nấp, con chim lớn mở choàng mắt. Nó giũ giũ lông cánh cho khô rồi khẽ nhích ra ngoài. Tia nắng ấm vừa vặn rơi xuống đúng chỗ con chim non đang ngái ngủ, lông cánh vẫn khô nguyên.



143. THỎ VÀ RÙA

Có một chú thỏ
Và một chú rùa
Buổi sáng sáu giờ
Cùng nhau đi học

Chú rùa nặng nhọc
Biết tính đường dài
Đi thẳng một hơi
Tới trường không muộn

Còn anh bạn thỏ
Nhảy nhót hát ca
Đuổi bướm hái hoa
Quên giờ lên lớp

Tùng tùng trống đánh
Thỏ chạy quáng quàng
Chân vắt lên vai
Đến trường vẫn muộn.

 144. Chú gà trống ưa dậy sớm

Mấy hôm nay trời rét cóng tay. Càng về sáng, tiết trời càng lạnh giá. trong bếp, bác mèo mướp vẫn nằm lì bên đống tro ấm. Bác lim dim đôi mắt, luôn miệng gừ gừ kêu: "Eo ôi! Rét! Rét!".
Thế nhưng mới sớm tinh mơ, chú gà trống đã chạy tót ra giữa sân. Chú vươn mình, dang đôi cánh to, khoẻ như hai chiếc quạt, vỗ cánh phành phạch. cái mào đỏ rực. Chú rướn cổ lên gáy "o...o!" vang cả xóm. Bộ lông màu tía trông thật đẹp mắt. Chú chạy đi chạy lại quanh sân, đôi đùi mập mạp chắc nịch.

145. Thả Diều
               
 Trần Đăng Khoa

Cánh diều no gió
Sáo nó thổi vang
Sao trời trôi qua
Diều thành trăng vàng
Cánh diều no gió
Tiếng nó trong ngần
Diều hay chiếc thuyền
Trôi trên sông Ngân

Cánh diều no gió
Tiếng nó chơi vơi
Diều là hạt cau
Phơi trên nong trời

Trời như cánh đồng
Xong mùa gặt hái
Diều em- lưỡi liềm
Ai quên bỏ lại

Cánh diều no gió
Nhạc trời réo vang
Tiếng diều xanh lúa
Uốn cong tre vàng

Ơi chú hành quân
Cô lái máy cày
Có nghe phơi phới
Tiếng diều lượn bay?

Tiếng diều vàng nắng
Trời xanh cao hơn
Dây diều em cắm
Bên bờ hố bom

146. Ông bác sĩ già
                                           
Ngô Quân Miện

Đêm ấy, bé Vân sốt cao, phải vào bệnh viện. Em lo lắng nhìn ông bác sĩ già đeo kính trắng, cổ đeo cái ống nghe như chiếc vòng bạc. Khi khám cho Vân, đôi mày ông cứ nhíu lại như nghĩ ngợi điều gì. Cuối cùng, đôi mắt ông sáng lên làm mẹ và Vân thấy nhẹ cả người: "Cháu bị cảm thôi! Chị cứ yên tâm".
Đêm ấy, Vân thức dậy mấy lần. Lần nào Vân cũng thấy cái bóng áo trắng và những bước chân vội vã của ông đi qua. Mẹ bảo: "Đêm nay, có bốn, năm ca cấp cứu. Bác sĩ làm việc suốt đêm!".
Đến bây giờ, Vân vẫn không quên được khuôn mặt hiền từ, mái tóc sợi đen sợi trắng, đôi mắt đầy yêu thương và lo lắng của ông.

147. TRUNG THU ĐỘC LẬP

              Đêm nay anh đứng gác ở trại. Trăng ngàn và gió núi bao la khiến lòng anh man mác nghĩ tới trung thu và nghĩ tới các em . Trăng đêm nay sáng soi xuống đất nuớc Việt Nam độc lập yêu quý của các em. Trăng sáng mùa thu vằng vặc chiếu khắp thành phố, làng mạc, núi rừng, nơi quê huơng thân thiết của các em...
              Anh nhìn trăng và nghĩ tới ngày mai...
              Ngày mai, các em có quyền mơ tuởng một cuộc sống tuơi đẹp vô cùng. Muơi muời lăm năm nữa thôi, các em sẽ thấy cũng dưới ánh trăng này, dòng thác nuớc đổ xuống làm chạy máy phát điện; ở giữa biển rộng, cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên những con tàu lớn. Trăng của các em sẽ soi sáng những ống khói nhà máy chi chít, cao thẳm rải trên đồng lúa bát ngát vàng thơm, cùng với nông truờng to lớn, vui tuơi.
               Trăng đêm nay sáng quá! Trăng mai còn sáng hơn. Anh mừng cho các em vui Tết Trung thu độc lập đầu tiên và anh mong uớc ngày mai đây, những tết trung thu tuơi đẹp hơn nữa sẽ đến với các em.
Thép Mới


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét